Pierre Gros, 51 tuổi, tổng giám đốc một công ty dệt kim ở Cevene là trường hợp độc đáo trong ngành dệt Pháp. Trước hết, ông là một ông chủ giàu có còn duy trì sản xuất hàng dệt tại Guillerand Granges, một thành phố ở ngoại ô Valence.
Năm 2005 ông có đơn hàng sản xuất hơn 600.000 áo “polo ánh sáng” bằng sợi tổng hợp nhãn hiệu Montagut. Nhưng điều đáng nói hơn cả là 85% khách hàng của ông là người Trung Quốc! Gần như không được biết mấy ở Pháp, ở Trung Quốc, nhãn hiệu Montagut là một “ngôi sao” trong thị trường hàng dệt may với 3.400 điểm bán, 10 triệu khách hàng. Những chiếc áo sơ mi ngắn tay hiệu Montagut bán ở đây với giá khó tin là 160 euro, đắt hơn sản phẩm cùng loại của nhãn hiệu thượng thặng Ralph Laurent hay Pierre Cardin!
Làm thế nào mà doanh nghiệp chỉ thuộc loại nhỏ trong ngành công nghiệp dệt may Pháp lại ăn nên làm ra ngay tại Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp bản địa đang làm ngành dệt may cả thế giới chao đảo trong cơn bão hàng giá rẻ? “Gắn bó kiên trì với nghề dệt kim của một dòng họ nhỏ ở Pháp, bảo vệ tuyệt đối bí mật sản xuất “sợi ánh sáng” (fil lumière), linh hoạt về thương mại và sáng tạo thường xuyên mẫu mã” – đó là bí quyết của Montagut theo đuổi 10 năm nay, tạo nên sự hưng thịnh của một doanh nghiệp gia đình có 3l triệu euro doanh số và 3 triệu euro lợi nhuận/năm. Những đôi vớ với cái tên Montagut bắt đầu xuất hiện vào năm 1929 trong xưởng lụa gia đình Gros. Sau chiến tranh thế giới II, doanh nghiệp hướng sang sản xuất áo pull và từ năm 1963 nổi danh với thứ “sợi ánh sáng”, một loại sợi nhân tạo bằng polyamid, lóng lánh giống như lụa nhưng dễ giặt và không cần phải ủi. Montagut thời đó bán ra hơn 150.000 áo polo “ánh sáng” mỗi năm. Nhưng đến 1968, thời trang hippie nổ ra và cùng với nó là sự quay lại các vật liệu tự nhiên: cotton và sợi gai, Montagut phải tìm đường xuất khấu sản phẩm của mình sang Trung Đông và các nước Đông Dương cũ. Dần dần, với cả một thế hệ tầng lớp trung lưu ở đây, áo polo Montagut trở thành sản phẩm được ưa chuộng, một biểu tượng của thành đạt, một loại quà biếu sang trọng.
Montagut xem việc bảo vệ bí mật công nghệ sản xuất “sợi ánh sáng” là vấn đề sống còn. Cũng vì lý do đó mà xí nghiệp vẫn duy trì nhà máy ở Pháp mặc dù có thể sản xuất với 1/3 giá thành nếu đặt nhà máy ở Trung Quốc. Ở Pháp công nhân của xí nghiệp được trả 1.100 euro/tháng trong khi lương công nhân ở Thượng Hải chỉ 200 euro, nhưng Pierre Gros thừa nhận: “Đào tạo các nhân viên kỹ thuật ở Trung Quốc có nguy cơ làm lộ công nghệ của mình”. Để bảo đảm bí mật, ngay tại nhà máy ở Guillerand Granges trên đất Pháp, chụp ảnh cũng bị cấm.
Trong 10 năm qua, trong khi số công nhân nói chung giảm thì số lượng nhân viên thiết kế lại tăng gấp 4 lần. “Sáng tạo là cơ may duy nhất để chúng tôi tồn tại” – Pierre Gros nói.