Đã từng có một thời ít người đàn ông quan tâm tới cách ăn mặc của mình khi tới công sở… Chính những điều này vô tình tạo cho cánh đàn ông chúng ta một lối ăn mặc rẻ tiền, nhếch nhác, tạm bợ… cho dù một ngày nào đó ta đã lên tới vị trí lãnh đạo công ty !
Thời của những chiếc áo thun polo và quần kaki đến công sở đã qua rồi !
Và bây giờ, chính là lúc người ta quay lại với phong cách lịch thiệp, chuyên nghiệp của những bộ comple. Có thể bạn chưa biết nhưng suit lại là phần quan trọng nhất trong tủ quần áo nam giới ! Tại sao ? Đơn giản là bộ comple luôn được dùng cho những dịp quan trọng và với những người quan trọng. Nếu bộ comple của bạn có vần đề thì hậu quả của nó to tát hơn bạn tưởng tượng đấy. Có thể dùng 3 từ để nói lên tính cách của 1 bộ comple : Mạnh mẽ – Tự tin và Uy quyền.
Những đặc điểm căn bản của một bộ comple :
1. Vai
Một bộ comple đẹp bắt đầu từ vai, nó phải vừa vặn với tư thế của bạn và phải tôn lên dáng điệu của bạn. Với phong cách bộ comple ngày nay, vai cần vừa vặn và có xu hướng hơi cong lên… Nếu khi khoác lên người bộ comple mà nó không làm cho vóc dáng bạn cân đối và đẹp mắt hơn thì hãy bỏ nó đi ngay và thay ngay bộ comple mới khác. Đừng bao giờ nuối tiếc vì nó, nó sẽ làm bạn “mất điểm” rất nhiều đấy…
2. Ve áo
Ve áo không nên quá rộng hay quá hẹp, nó nên cân đối với bờ vai của bạn. Bạn có thể chọn loại ve áo có xẻ chữ V (thuật ngữ dễ hiểu là ve kiểu Ý) hay loại ve xếch(thuật ngữ dễ hiểu là ve kiểu Anh) tùy theo sở thích !
3. Khuy áo
Những chiếc khuy nơi cổ tay áo thường chỉ đơm làm cảnh nhưng phải được đơm chắc chắn và ngay ngắn, khuy chính của suit luôn được đơm cách bề mặt vải một khoảng cách nhất định để khi cài ta áo không bị nhăn. Chất liệu khuy cũng là một điều mà các bạn nhớ quan tâm…
4. Tổng thể các họa tiết
Ngoài vải bộ comple đơn sắc, còn lại chỉ có 2 loại họa tiết thông dụng trên bộ comple đó là sọc và caro vuông. Dù là loại nào đi nữa những họa tiết này không nên nổi bật trên nền màu áo. Nó phải nhuyễn và khó có thể thấy được ở cự ly gần. Một chi tiết thường được dùng để giám định tay nghề của người làm ra bộ comple là những họa tiết trên áo phải liền mạch với nhau ở những nơi các bộ phận của chiếc áo giao nhau được nối lại (cánh tay áo, vai, túi với thân áo)… Cái này gọi là “căn kẻ” các đường kẻ phải được nối liền mạch với nhau. Chi tiết này để các bạn hiểu rằng : Khi các bạn mua vải kẻ hay caro để may suit đồng nghĩa là các bạn phải mua nhiều hơn vải đơn sắc để người thợ dễ dàng “căn kẻ” hoàn hảo…
5. Túi
Hầu hết những chiếc áo đều được may với túi có nắp nhưng nhớ là những cái túi ấy dùng để là cảnh. Đừng bao giờ nhét thứ gì vào đấy nhé, nó sẽ làm hỏng đi vẻ đẹp phẳng phiu của bộ suit. Bạn nhớ đừng nhét nắp túi vào trong nhé, vì như vậy nhìn sẽ rất “quê” đấy…
6. Vải lót
Vải lót là một yếu tố quan trọng của bộ comple, nếu nó quá dầy sẽ làm mất độ bay của áo, nếu nó quá nhõng nhẽo sẽ làm tà áo bị chảy xệ và lót có cơ hội phòi ra ngoài vải thân áo… Đừng nghĩ rằng điều này là đơn giản, nó khẳng định tay nghề của người tạo ra những bộ comple đấy nhé… Vải lót phải thật đẹp và đối với một bộ comple chuẩn mực thì lót áo mới là nơi để đối tác cảm nhận về bộ comple của bạn đang ở đẳng cấp nào !
7. Đường kim mũi chỉ
Những bộ comple tuyệt vời nhất và đắt nhất là những bộ suit được khâu tỉ mỉ rất nhiều chi tiết bằng tay bởi những người thợ may lành nghề. Mặc dù thời nay đa số các mặt hãng may mặc đều được may bằng máy công nghiệp hiện đại. Nhưng với những bộ suit đẳng cấp thì điều này sẽ thành là vô nghĩa – một bộ comple tinh tế phải được may chủ yếu bằng tay và máy may đạp chân !!!
Một bộ comple vừa vặn hoàn hảo :
Có 3 phong cách chính mà một bộ comple thường được may: Phong cách Anh Quốc, phong cách của người Ý và phong cách Mỹ. Dù thuộc trường phái nào nhưng đặc điểm chung là một bộ comple khi cài nút thì lưng áo phải thẳng thắn, ve áo nằm cân xứng và thẳng trên ngực, vai vừa vặn và tùy theo hình dáng của mỗi người (vai thằng hay xuôi) phần vai phải cân bằng khuyết điểm vai của bạn.
1. Vai khi khoác bộ comple lên không được ngang bành ra hay xuôi tuột xuống, nó phải có chiều hướng 2 đỉnh vai đi lên.
2. Đường cắt 2 bên thân áo phải ôm theo đều hình dáng thân người của bạn.
3. Cổ tay áo nên dài vừa đủ để lộ một phần cổ tay áo sơ mi bên trong.
Phong cách Anh Quốc : Có thể tóm gọn trường phái này trong hai chữ “chuẩn mực”. Một bộ suit may theo kiểu này sẽ rộng vừa với kích thước cơ thể của bạn, vai xuông tự nhiên, ngực và eo ôm. Đuôi lưng áo phía sau thường có đường xẻ 2 bên giúp bạn thoải mái hơn khi gài nút vì vốn phần eo đã được may rất “thon”. Chiếc quần theo phong cách Anh Quốc rất vừa vặn, khá ôm…
Phong cách của người Ý : Sẽ có đầu vai cao hơn so với phong cách Anh Quốc (vai áo kiểu Ý sẽ cong hơn) và áo cũng thường ngắn hơn và quây tròn không xẻ sau nên sẽ làm chúng ta cảm giác gầy và thanh thoát hơn khi mặc… ống quần kiểu Ý hẹp hơn và gấu quần cao hơn so với chiếc quần phong cách Anh Quốc.
Phong cách Mỹ : Hình thành vào khoảng thập niên 1950 và tới nay người Mỹ vẫn chuộng phong cách này, với ống tay áo dài, vai xuôi tự nhiên. Nhìn chung trường phái Mỹ thì luôn thoải mái hơn nhưng sẽ làm bộ suit kém phần trịnh trọng và “chất chơi” hơn trường phái kia.
Sưu tầm