Sự phát triển của smartphone, internet và các ngành kinh doanh trên mạng đã thay đổi hình ảnh kinh doanh truyền thống thường thấy tại Việt Nam.
Hàng loạt xe hơi đậu thành hai hàng dài kín con đường phía trước một trung tâm hội nghị ở Quận 7, TP.HCM hôm 23/3 để tham dự một bữa tiệc. Trung tâm hội nghị lấy màu trắng làm chủ đạo, khán phòng dù có những điểm nhấn màu xanh đặc trưng của công ty tổ chức tiệc nhưng màu chủ yếu cũng là màu trắng, thật trùng hợp là hầu hết xe hơi đậu ngoài kia đa số cũng có màu trắng.
Với lối nghĩ thông thường, ai cũng nghĩ đây là một đại tiệc do một đại gia nào đấy tổ chức, với khách mời hầu hết là người khá giả. Tuy vậy, nếu để ý kỹ thì sẽ thấy hầu hết xe hơi đậu ngoài kia là xe hạng A, nhiều nhất là Kia Morning, và khách tham dự tiệc cũng rất nhiều thành phần, không ăn mặc sang trọng như thường nghĩ.
Hóa ra, đây là bữa tiệc do công ty GrabTaxi tổ chức cho những lái xe GrabCar tiêu biểu, vinh danh những người được chấm 5 sao và những tài xế trả lại đồ khách đi xe để quên. Hầu hết xe không có dấu hiệu của xe taxi, tài xế cũng không mặc đồng phục, nên rất khó để biết người tham gia là người lái xe hay chủ xe – là người làm công hay “đại gia” sở hữu xe.
Nói với ICTnews tại buổi tiệc, một lái xe cho biết anh đang lái Kia K3 – chiếc xe mơ ước của nhiều gia đình trẻ. Sau khi trừ chi phí thuê xe 13 triệu đồng/tháng, anh có thể kiếm được hơn 10 triệu mỗi tháng từ việc chạy GrabCar. Trước đây, anh chạy theo kiểu ăn chia với chủ, nhưng sau này cả anh và chủ xe quyết định khoán mỗi tháng 13 triệu đồng trả chủ xe, còn lại anh hưởng. Khi được hỏi nếu khoán như vậy thì mỗi lần chủ xe cần lấy xe chạy, như về quê chẳng hạn, thì tính thế nào. Anh lái xe chạy Grab được hơn 5 tháng, quê Sóc Trăng, cho biết người chủ xe trẻ tuổi chỉ đi xe máy, không bao giờ đi xe hơi.
“Nhưng phải có lúc anh chủ xe lấy xe đi đâu đó chứ?”, Tôi hỏi. “Không, ổng chỉ đi xe máy thôi. Tui mới đi xe hơi”, anh tài xế nói.
Khi đã khoán 13 triệu đồng/tháng, anh chủ xe chưa bao giờ lấy xe của tài xế để làm việc gì khác. Trước đó, khi còn ăn chia, anh chủ xe hay có các mối lái xe đám cưới thì gọi anh lái xe nhưng từ khi cho thuê thì không bao giờ đụng đến chiếc xe gần tỷ đồng của mình.
Trái với vẻ nhỏ nhắn, hơi bối rối của anh lái xe Kia K3, một người trạc 40 tuổi mà tôi tiếp cận thì ăn mặc lịch sự, nói chuyện điềm đạm hơn. Anh có nói đang chạy chiếc xe gì đó nhưng do ồn quá tôi không nhớ. Anh nói anh là chủ xe, chỉ chạy vào buổi chiều và tối khi rảnh rỗi, nhưng vẫn đủ để trả khoản vay ngân hàng mà anh dùng để mua xe. Anh nói mỗi tháng phải trả ngân hàng gần 10 triệu đồng cả vốn lẫn lãi để mua xe.
“Như tui là chủ xe và lái xe nên thu nhập cũng tốt. Chỉ lái khi rảnh rỗi. Chứ thuê xe thì phải ‘cày’ lắm”, anh nói. Tôi hỏi bình thường anh làm gì, anh nói nhà anh có… vài cái cửa hàng thời trang, anh thường có mặt buổi sáng ở cửa hàng mà thôi, do đó chiều tối rảnh thì lái xe.
Những ngành kinh doanh mới như Grab, Uber rõ ràng đang thay đổi rất nhiều cách người ta làm ăn hiện nay. Với các dịch vụ này, một anh nhân viên văn phòng vẫn có thể đầu tư một chiếc xe để kinh doanh. Thậm chí mới đây, Uber còn hỗ trợ vốn đến 95% giá trị xe mua mới cho tài xế dùng xe để chạy Uber. Bạn bè người viết bài này cũng có nhiều người đầu tư mua xe, cuối tuần thì dùng xe để đi đám cưới, về quê; ngày thường thì thuê tài xế chạy các dịch vụ nói trên. Chưa kể có người còn tự lái Grab hay Uber vừa kiếm tiền vừa để xả stress.
Những chiếc xe của Grab hay Uber hiện nay hầu hết khá mới, tài xế ăn mặc lịch sự, do đó cực kỳ khó để biết ai là chủ xe, ai là lái xe làm thuê, hay xe nào là xe nhà, xe nào là xe chạy thuê. Rõ ràng những cái nhìn truyền thống đã không còn đúng với sự phát triển như vũ bão của internet, smartphone, ngành nghề kinh doanh mới tại Việt Nam.
Trước đây, người viết bài cũng từng hỗ trợ gia đình buôn bán quần áo online. Trong một dịp đi giao hàng, mặc dù đã lượn qua lượn lại chục bận trước khách hàng nhưng chị khách hàng vẫn không dám gọi tôi, vì nhìn tôi “bảnh” quá, không giống nhân viên giao hàng; vì hôm đó sẵn đi đám cưới về tôi đi giao hàng luôn.
Bản thân tôi khi đi giao hàng cũng từng chạm mặt các ông bà chủ chạy xe tay ga, ăn mặc sành điệu đi giao hàng. Chưa kể có lần một nhân viên công ty giao hàng đến chỗ tôi, anh này còn chạy mô tô loại xịn, cao ráo đẹp trai như bất kỳ anh chàng “soái ca” nào trên phim.
Không chỉ GrabCar, dịch vụ GrabBike cũng khiến hầu hết mọi thành phần trong xã hội tham gia lái “xe ôm”. Hai “ông xe ôm” tôi từng gặp dạng này, một là một cậu sinh viên trắng trẻo chạy Honda AirBlade, một là bà chị khá lớn tuổi nhưng ăn mặc lịch sự chạy Honda Lead.
Theo ICTNews