Lazada tỏ rõ tham vọng giành ngôi số 1, liệu Chợ ĐiệnTử có bảo vệ được ngôi vương trước đối thủ quốc tế lắm tiền nhiều của?
Giữa năm 2013, trong lúc thị trường công nghệ vẫn dành nhiều sự chú ý cho những làn sóng mới như OTT và cơn sốt groupon vẫn chưa hạ nhiệt thì một sự kiện có vẻ ít đình đám lại thu hút những người trong nghề hơn: Lazada.vn ra mắt dự án sàn giao dịch điện tử Marketplace.
Lazada tấn công
Marketplace là mũi nhọn tấn công mới nhất của Lazada vào mô hình thương mại điện tử C2C (Customer-to-Customer), bên cạnh hoạt động bán lẻ B2C (Business-to-Customer) từ trước đến nay. Marketplace cũng chính là lời tuyên chiến trực tiếp với người dẫn đầu ChợĐiệnTử.vn, vì C2C vốn là hoạt động cốt lõi của website thương mại điện tử này.
Tương tự ChợĐiệnTử, Marketplace đưa ra những phương thức hỗ trợ các nhà cung cấp như không thu phí hằng tháng mà tính phí trực tiếp trên từng sản phẩm. Lazada cũng đi con đường tất yếu mà ChợĐiệnTử đã đi để gia tăng thị phần, đó là đầu tư nhiều vào công cụ thanh toán trực tiếp. Cụ thể, website thương mại điện tử này đã thỏa thuận hợp tác với 25 ngân hàng thương mại trong nước và đang tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến qua thẻ.
“Lazada sẽ mang đến cho người bán những lợi ích tốt nhất trên thị trường từ năm 2014, từ công cụ thanh toán trực tuyến, giao nhận và quảng bá sản phẩm”, ông Christopher Beselin, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, khẳng định.
Tuy chỉ mới tham gia vào thị trường Việt Nam từ đầu năm 2012 nhưng Lazada của đế chế thương mại điện tử Rocket Internet (Đức) đã có bước tiến đáng nể: chỉ mất 2 năm để chiếm lấy vị trí số hai thị trường bán lẻ trực tuyến với 22% thị phần.
Đúng như tên gọi, Rocket Internet đang phát triển với tốc độ tên lửa ở khu vực Đông Nam Á. Nếu như đầu tháng 12.2013, công ty này vừa gọi thành công thêm 120 triệu USD đầu tư cho 2 website bán lẻ thời trang Zalora (ở Đông Nam Á) và Iconic (ở Úc), thì chỉ 1 tuần sau đó họ lại công bố tăng thêm 250 triệu USD đầu tư cho Lazada.
Tính đến tháng 12.2013, Lazada đã thu hút khoảng 486 triệu USD vốn đầu tư để phát triển dự án thương mại điện tử tại 5 quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, ông Beselin không cho biết rõ sẽ có bao nhiêu vốn mới được rót vào Lazada.vn, mà chỉ cho biết rằng “Lazada luôn thu hút được nguồn vốn mới và có chiến lược dài hạn tại Việt Nam”.
Mạnh vì gạo bạo vì tiền, Lazada cũng là website bán lẻ trực tuyến có lưu lượng truy cập cao thứ hai Việt Nam năm ngoái, theo báo cáo của hãng nghiên cứu internet comScore (Mỹ). Không chỉ mạnh ở Việt Nam, Lazada hiện giữ vị trí số 1 về bán lẻ trực tuyến tại Thái Lan và Indonesia. Rõ ràng, chưa có đơn vị thương mại điện tử nào của Việt Nam có thể cạnh tranh về vốn với ông lớn Rocket Internet. Tay chơi này cũng không che giấu tham vọng thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam. “Vị trí số một là mục tiêu của Lazada. Và theo tính toán thì chúng tôi sẽ sớm đạt được mục tiêu này”, ông Beselin nói.
Với Marketplace, Lazada đang dần hiện hoàn thiện hệ sinh thái của mình và vẫn không quên đầu tư tiếp cho mô hình B2C truyền thống. Beselin cho biết hãng này đã bắt đầu xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm. “Lòng tin vẫn là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam. Xây dựng chuỗi trung tâm giới thiệu sản phẩm có nhân viên hướng dẫn, giải thích cặn kẽ sẽ giúp khách hàng hiểu và tin hơn vào thương mại điện tử cũng như Lazada”, ông nói.
Lazada hoàn toàn có lý do để đầu tư mạnh tay trong lúc này. Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA), năm 2013 giá trị giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đã cán mốc 2,2 tỉ USD, tăng trưởng hơn 300%. Và thị trường này sẽ cán mức 4 tỉ USD vào năm 2015. Những con số này cũng trùng khớp với dự báo của EuroMonitor rằng đến năm 2016 dân số internet của Việt Nam sẽ đạt 43 triệu người, tương đương khoảng 40-45% dân số, chính là tỉ lệ vàng để thị trường thương mại điện tử bùng nổ.
Một minh chứng mới nhất cho sức hấp dẫn của thương mại điện tử chính là việc Tập đoàn Vingroup của tỉ phú đô-la Phạm Nhật Vượng cũng đã nhảy vào thị trường thương mại điện tử với việc thành lập Công ty VinE-com có vốn điều lệ hơn 1.000 tỉ đồng. Rất kín tiếng nhưng tay chơi vừa ra mắt cũng đã kịp chiêu mộ khá nhiều nhân tài trong ngành. VinE-Com được đồn đoán đang chuẩn bị thực hiện một số thương vụ M&A khủng và cũng nhanh tay đăng ký một loạt các tên miền phục vụ cho kế hoạch lâu dài.
“VinE-com sẽ là đối thủ đáng chú ý. Cuộc chơi sắp tới sẽ càng hấp dẫn. Thị trường sẽ sớm bùng nổ khi càng có nhiều tay chơi cứng cựa nhảy vào cuộc”, Beselin của Lazada nhận định. Giữa một cuộc chiến sôi động như vậy, liệu người dẫn đầu ChợĐiệnTử sẽ làm gì để giữ được ngôi vương?
Độc chiêu chợ điện tử
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện vẫn nằm dưới sự thống trị của ChợĐiệnTử.vn, một sản phẩm thương mại điện tử của người Việt, với 29% thị phần.
Còn nhớ năm 2006, khi ChợĐiệnTử.vn mới vừa hoàn tất giao dịch thứ 300, Nguyễn Hòa Bình, sáng lập kiêm Chủ tịch PeaceSoft, đơn vị sở hữu ChợĐiệnTử.vn, đã nói với tờ Financial Times (Mỹ) rằng hy vọng một ngày đẹp trời nào đó người khổng lồ eBay sẽ đến gõ cửa công ty ông. Đầu năm 2011, lời nói của ông chủ ChợĐiệnTử.vn trở thành hiện thực khi eBay đồng ý mua lại 20% cổ phần của website thương mại điện tử này.
ChợĐiệnTử.vn là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử theo mô hình của eBay xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Trong lúc thanh toán trực tuyến vẫn là rào cản lớn nhất đối với các tài năng thương mại điện tử ở Việt Nam thì ChợĐiệnTử đã có chiến lược tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến để bảo vệ khách hàng từ rất sớm. ChợĐiệnTử.vn đã kết hợp với Techcombank (2006), Đông Á Bank (2007), OnePay và các tổ chức thẻ quốc tế (2008) để thực hiện bảo hiểm toàn bộ các giao dịch của người dùng trên website.
Đến năm 2011, ChợĐiệnTử.vn ra mắt công cụ thanh toán trực tuyến NgânLượng.vn do chính họ tự phát triển và NgânLượng hiện là cổng thanh toán trực tuyến dẫn đầu tại Việt Nam với 27% thị phần. Năm ngoái, PeaceSoft đã bán 50% vốn NgânLượng.vn cho một đối tác Malaysia là MOL Access Portal.
Làm chủ được khâu thanh toán trực tuyến là lợi thế không hề nhỏ, giúp ChợĐiệnTử.vn thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, Lazada cũng hiểu rất rõ vai trò của khâu thanh toán và bỏ sức đầu tư. Liệu ChợĐiệnTử còn độc chiêu nào khác để ứng phó?
“Với kinh phí khổng lồ như vậy, chắc chắn Lazada sẽ gây nhiều khó khăn với doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tuy nhiên, trước đối thủ mạnh thì chúng tôi vẫn có mục tiêu và phương pháp cạnh tranh phù hợp. Năm nay ChợĐiệnTử.vn không đặt mục tiêu phải tranh giành ngôi vương với họ. Thay vào đó, chúng tôi sẽ phải giữ vững vị trí trong tốp đầu và củng cố hoạt động để nâng cao lợi nhuận”, ông Bình, PeaceSoft, cho hay.
Cụ thể, theo ông Bình, PeaceSoft có 3 mục tiêu chính cần phải thực hiện trong năm 2014. Đầu tiên là duy trì vị thế sàn giao dịch C2C dẫn đầu bằng cách bổ sung thêm nhiều lợi ích cho người mua cũng như người bán. Mục tiêu kế tiếp là ChợĐiệnTử.vn phải giữ được tỉ lệ lợi nhuận tốt nhất thị trường. Cuối cùng, tránh cạnh tranh trực tiếp với đối thủ mạnh để bảo toàn lực lượng.
“Đường dài mới biết ngựa hay. Các tay chơi có vốn lớn sẽ không ngại ngần đổ tiền để chiếm thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn là mục đích cuối cùng của kinh doanh. Đó là chưa kể PeaceSoft là một trong số ít các đơn vị thương mại điện tử nắm trong tay một hệ sinh thái các sản phẩm trực tuyến bổ trợ qua lại cho nhau một cách hiệu quả. Đó là những giá trị mà các nhà bán lẻ, cũng là khách hàng của ChợĐiệnTử.vn, luôn tìm kiếm”, ông Bình tự tin.
Hệ sinh thái mà ông Bình nói đến đã có 5 thành viên gồm ChợĐiệnTử.vn và eBay.vn là 2 website bán lẻ trực tuyến, NgânLượng.vn là công cụ thanh toán trực tuyến, ShipChung.vn là dịch vụ giao nhận hàng hóa trực tuyến và AdNet.vn là mạng quảng cáo trực tuyến hỗ trợ các nhà bán lẻ.
Tân binh trỗi dậy
Trong lúc Lazada và ChợĐiệnTử bận bịu với cuộc chiến giành và giữ ngôi số 1 thì ở tốp dưới họ cũng sẽ không ngừng bị quấy nhiễu bởi những đối thủ tuy nhỏ nhưng đáng gờm.
VậtGiá.com, một đơn vị thương mại điện tử nội có tiếng, hiện giữ vị trí số 3 với 15% thị phần là một tay chơi không dễ chịu. Thực tế, đây mới là sàn giao dịch trực tuyến có lưu lượng truy cập cao nhất Việt Nam, chiếm 50% lượng người truy cập duy nhất (unique visitors) trên tổng lượng truy cập của cả 5 website dẫn đầu, theo comScore. Hiện website này có khoảng 24.000 cửa hàng đăng ký bán sản phẩm, hơn 1,2 triệu lượt truy cập mỗi ngày và đạt giá trị giao dịch 4.000 tỉ đồng/năm.
“Giai đoạn 2012-2013, doanh thu bán lẻ trực tuyến của VậtGiá.com tăng trung bình 30%. Mặc dù đây là mức tăng khá cao nhưng chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn thế nữa”, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Điệp nhận định.
Mặc dù bị Lazada vượt qua và chiếm vị trí số 2 chỉ trong thời gian ngắn, nhưng Tổng Giám đốc VậtGiá.com cũng tin rằng các đối thủ ngoại chưa chắc đã nắm được hết lợi thế. “Rocket Internet khi vào Việt Nam sẽ gặp phải trở ngại là chi phí cao, khả năng am hiểu người dùng Việt Nam cũng không bằng các đối thủ nội. Có thể chúng ta không mạnh về tài chính, nhưng sở hữu những kỹ thuật viên giỏi và chi phí hoạt động rất cạnh tranh. Kinh doanh thương mại điện tử mà chi phí quá cao thì khó có lợi nhuận. Tôi tin rằng doanh nghiệp trong nước vẫn có đủ khả năng cạnh tranh với họ trên sân nhà, nếu biết áp dụng chiến thuật khôn khéo”, ông Điệp chia sẻ.
Trong khi đó, các tân binh tốp dưới cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội. Nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã quyết định chuyển hướng hoặc mở rộng đầu tư, đầu tiên phải kể đến các công ty mua theo nhóm (dạng groupon).
4 năm về trước là thời điểm cao trào xuất hiện hàng loạt các website theo hình thức groupon tại Việt Nam, với một số cái tên quen thuộc như NhómMua, CùngMua, MuaChung hay HotDeal. Mô hình hoạt động khi đó là bắt chước Groupon (Mỹ) bán voucher giảm giá nhiều sản phẩm, dịch vụ với số lượng giới hạn trong một thời gian ngắn, và phải có đủ số người đặt hàng thì voucher mới có hiệu lực. Tuy nhiên, trải qua thời gian, mô hình này đã được chuyển đổi dần cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện tại, phần lớn các website theo hình thức groupon ban đầu đều đã chuyển sang mô hình thương mại điện tử bán hàng giá rẻ (daily deal), nghĩa là không giới hạn thời gian và khi chỉ có một người mua cũng bán.
Tuy nhiên, trong lúc thị trường daily deal đang ngày càng trở nên đông đúc, các chiến binh daily deal lại tiếp tục cải tiến mô hình hoạt động để tăng thị phần và lợi nhuận.
Vươn lên dẫn đầu thị trường mua theo nhóm từ sau biến cố của NhómMua vào cuối năm 2012, HotDeal đã liên tục giữ vững vị trí từ đó đến nay và nắm giữ 54% thị phần tính đến hết năm 2013. HotDeal cho biết họ thực hiện trung bình 10.000 đơn hàng/ngày, trong đó đến 70% là sản phẩm chứ không còn là voucher như trước và website này đang trong quá trình đàm phán để gọi thêm vốn phục vụ cho việc bành trướng sang mảng bán lẻ thời trang trực tuyến.
“Chúng tôi đã hoàn thành một showroom thời trang tại Hà Nội. Đây sẽ là cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho một website thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng thời trang sắp được trình làng. Trong quá trình phát triển HotDeal, chúng tôi đã có trong tay vài ngàn nhà cung cấp sản phẩm thời trang chất lượng và cũng nắm bắt được nhu cầu mua sắm thời trang trực tuyến của người dùng”, ông Nguyễn Thành Vạn An, Tổng Giám đốc MekongCom, công ty sở hữu HotDeal chia sẻ.
HotDeal cũng vừa hoàn thành việc mở rộng gấp 3 lần diện tích kho bãi ở cả miền Bắc và miền Nam và còn cho biết sẽ lắp đặt thêm hệ thống kệ để nâng cao diện tích sử dụng thêm 2-3 lần để phục vụ cho những kế hoạch mới.
Một cuộc lột xác ngoạn mục khác chính là Tiki.vn. Tiền thân là một website chuyên kinh doanh sách ngoại văn ra đời từ năm 2010, hiện Tiki đã mở rộng tổng cộng 9 ngành hàng khác nhau và được ví như một Amazon.com của Việt Nam. Với số lượng sản phẩm trên website trung bình khoảng 55.000, website này thu hút xấp xỉ 100.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Cuối năm ngoái, Tiki vừa gọi thành công vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư Sumitomo (Nhật). Đây là lần gọi vốn thứ hai của Tiki, sau lần rót vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm khác cũng của Nhật là CyberAgent Ventures. Giá trị thương vụ tuy không được tiết lộ, nhưng người trong ngành cho rằng Tiki nhận được từ 2-3 triệu USD. “Với số vốn này, Tiki đang phấn đấu mở rộng số lượng sản phẩm trên website lên 100.000, đồng thời củng cố chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Chúng tôi cũng mới vừa hoàn thành một kho hậu cần lớn gấp 6 lần kho trước ở Tân Bình (TP.HCM), nên có thể an tâm về mặt kho vận và giao nhận trong một vài năm tới”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki, cho biết.
Với sự tăng tốc của tất cả các tay chơi, cuộc chiến sắp tới ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ rất đáng xem. Một bên là các đại gia quốc tế lắm tiền nhiều của, một bên là các chiến binh địa phương đầy tự tin. Hãy cùng chờ xem cuộc đua giữa rùa và thỏ sẽ diễn biến ra sao.
Theo Gafin