Bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử (TMĐT) không còn nhiều sức hút đối với những khách hàng gắn bó với smartphone và làm theo KOL (nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Khi sinh viên đại học Thượng Hải Milky Guan mua mỹ phẩm, cô không ấn tượng với các cửa hàng và tên tuổi lớn. Thay vào đó, cô gái 20 tuổi phụ thuộc vào website mua sắm mạng xã hội có tên Xiaohongshu để tìm ra món nào đang “hot”. Xiaohongshu là startup vừa mang tính chất cổng TMĐT vừa mang tính mạng xã hội. Guan theo dõi một KOL trong cộng đồng làm đẹp, hướng dẫn người hâm mộ (fan) cách trang điểm. Trong livestream gần đây của blogger này, Guan đã mua tới 4 sản phẩm làm đẹp khác nhau trong vòng vài phút chỉ bằng cách bấm vào liên kết nhúng trong video.
Guan là một trong hàng triệu khách hàng sinh sau năm 1996, hay còn gọi là thế hệ Z, những người bắt đầu thay đổi ngành bán lẻ của Trung Quốc. Họ lớn lên cùng với thiết bị di động và mạng xã hội không chỉ là nơi họ đốt thời gian mà còn là nơi “đốt tiền”.
Thế hệ Z Trung Quốc không bị ấn tượng bởi các thương hiệu nổi tiếng hay chiến dịch quảng bá truyền thống. Nhiều người không ngó ngàng đến cửa hàng, trang TMĐT như thế hệ trước. Họ mua sắm hàng hóa theo gợi ý của các influencer. Họ sử dụng tin nhắn, video ngắn, livestream và ứng dụng mạng xã hội như cánh cổng dẫn đến việc mua sắm.
Kỷ nguyên mới của mua sắm tại Trung Quốc phần nào giúp chúng ta hình dung tương lai của bán lẻ trên toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, hơn 413 tỷ USD hàng hóa có thể bán qua TMĐT cộng đồng tại Trung Quốc đến năm 2022, tăng gần 1/5 từ 90 tỷ USD năm 2017.
Điều đó lý giải vì sao từ các gã khổng lồ như Alibaba đến những người chơi mới như iQiyi, Bytedance đều đang chạy đua lôi kéo thế hệ Z. Zhang Xiaobo, Giám đốc bộ phận truyền hình thông minh của iQiyi, nhận định thế hệ trẻ có đam mê và sự tò mò khám phá những điều mới mẻ. Họ đang dẫn đầu làn sóng mua sắm mới và là nhóm khách hàng không thể bỏ qua.
Khi người dùng iQiyi xem các chương trình trên máy tính, liên kết web xuất hiện ở dưới cùng màn hình, đưa người xem đến trang bán hàng trên mạng để họ mua quần áo và sản phẩm được các ngôi sao trong chương trình sử dụng. Công nghệ mới mà iQiyi ra mắt hồi tháng 1/2019 cũng khuyến khích mua hàng trên điện thoại khi xem truyền hình. Khán giả thích món đồ mà diễn viên mặc sẽ mua trực tiếp ngay trên di động. Họ dùng điều khiển từ xa để mở mã QR và quét bằng điện thoại, dẫn đến cửa hàng trực tuyến của iQiyi và hoàn tất mua sắm.
TMĐT chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong doanh thu của iQiyi nhưng lại phát triển nhanh khi người trẻ Trung Quốc luôn theo đuổi các công nghệ mới. Tại Mỹ, các nền tảng như Instagram và Snapchat bắt đầu bổ sung tính năng TMĐT trực tiếp. Mua sắm cộng đồng đang mở rộng nhanh chóng nhưng tổng doanh thu còn khiêm tốn. Theo hãng nghiên cứu Technavio, thương mại cộng đồng mang về 16,94 tỷ USD tại Mỹ năm 2018, chiếm 3% trong tổng doanh thu 513,61 tỷ USD từ bán hàng trên mạng.
Khách hàng trẻ tuổi Trung Quốc không bận tâm đến việc các KOL đang kiếm lợi từ họ. Hệ thống thanh toán trực tuyến của nước này cũng rất phát triển, giúp cho việc bấm và mua sắm bất kỳ lúc nào “có hứng” trở nên dễ dàng hơn. Theo hãng tư vấn chiến lược OC&C, thế hệ Z Trung Quốc, vốn đang được cha mẹ và ông bà nâng niu vì tuổi nhỏ – hiện chiếm 13% chi tiêu hộ gia đình, cao hơn 3% so với thế hệ Z Mỹ.
Nhiều khách hàng thế hệ Z vẫn mua sắm nhiều qua các cổng TMĐT truyền thống nhưng họ cũng có các lựa chọn mới. Nền tảng video TikTok của Bytedance từ năm 2018 bắt đầu tích hợp các nền tảng mua sắm của Alibaba. Các tác giả có thể dùng ứng dụng để nói với người xem về sản phẩm họ đang bán trên Taobao. Alibaba có thêm lưu lượng còn tác giả được hoa hồng với mỗi giao dịch thực hiện. Bytedance còn cho phép các tác giả phổ biến mở cửa hàng riêng trên nền tảng để trực tiếp bán sản phẩm trên ứng dụng.
Tencent và Alibaba đang đầu tư vào Bilibili, website game di động và video sở hữu 93 triệu người dùng tích cực hàng tháng. Quan hệ với Bilibili hay Bytedance giúp Alibaba kết nối với thế hệ Z trong khi tạo ra cơ hội thương mại khổng lồ và hoàn thiện hệ sinh thái TMĐT cộng đồng.
Làn sóng tiền bạc đổ vào mạng xã hội không phải điềm lành với các thương hiệu và cửa hàng bán lẻ truyền thống. Thói quen mua sắm của thế hệ Z có tiềm năng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp không thu hút được sự quan tâm và niềm tin của khách hàng. Chẳng hạn, Zhang Dayi, một KOL, cho biết cô có thu nhập còn cao hơn cả ngôi sao nổi tiếng Kim Kardarshian West bằng cách tự bán sản phẩm riêng, hỏi ý kiến người hâm mộ về phong cách theo thời gian thực và điều chỉnh sản phẩm nhanh chóng.
Trong khi đó, rất khó để các công ty dự đoán được KOL nào mà thế hệ Z theo dõi. Guan, cô sinh viên 20 tuổi nhắc tới phía trên, mua sắm theo KOL Xiao Zhu Jie Jie, người có hơn 4 triệu fan trên Weibo. Guan thường trực tiếp vào cửa hàng của Xiao Zhu trên Taobao, nơi blogger bán các sản phẩm “ngách” thay vì của thương hiệu lớn.
Nền tảng Xiaohongshu cũng có sàn TMĐT riêng để liên kết với mỗi bài viết trên trang. Công ty đang được Alibaba và Tencent chống lưng, có hơn 220 triệu người dùng tạo mới 3 tỷ bài viết mỗi ngày về đủ chủ đề như thời trang, làm đẹp, phong cách sống. Hơn 50% người dùng sinh sau năm 1995 phụ thuộc vào họ để mua sắm sản phẩm. Crystal Yu, sinh viên 21 tuổi tại Thượng Hải, chia sẻ cô sẽ lên Xiaohongshu hoặc các nền tảng mạng xã hội khác đầu tiên để tìm lời khuyên từ blogger đã dùng sản phẩm. Cô dựa vào họ để lọc ra sản phẩm phù hợp.
Theo ICTNews