Phải chăng cho đến nay, ta vẫn chưa quan niệm rõ ràng và thực hiện nghiêm chỉnh việc học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài. Cụ thể là chương trình đi tu nghiệp thực tập ở các nước tiên tiến.

Từ lâu nay, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ thường đề ra khá nhiều chương trình giúp nước ta nâng cao kỹ năng quản lý và điều hành. Đặc biệt dành cho việc tu nghiệp học hỏi kinh nghiệm nhằm giúp cải tiến công tác hành chánh, kỹ thuật lẫn đào tạo.

Muốn Làm Quản Lý Tốt, Phải Am Hiểu Công Việc Từ Cấp Thấp Nhất Trở Lên

Ở phương Tây tôi đã nhìn thấy viên chức, chuyên gia từ các nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và cả nhiều nước Đông Âu đến Bắc Mỹ, Tây Âu nghiên cứu học tập trong một thời gian ngắn về cách thức quản lý, điều hành công việc, đào tạo theo phương pháp tiên tiến… Chương trình tu nghiệp khác với chương trình đào tạo hoặc du học, không kéo dài và chủ yếu nghiên về thực tập ứng dụng cụ thể. Cán bộ các nước gửi đến được học tập rút kinh nghiệm ngay tại hiện trường, không học nhiều về mặt lý thuyết.

Cách kèm cặp thực tập kiểu đó, nhiều cán bộ ta chưa quen, nên đã từng xảy ra không ít hiểu lầm rồi trách móc lẫn nhau. Tôi nghe kể có một chị phó giám đốc một công ty lớn ở trong nước được đưa đi tu nghiệp khóa giám đốc ở Thụy Sĩ. Mấy tháng đầu chị rất bực bội khi người ta cho chị công tác như một thư ký. Chị khiếu nại và được giải thích là ở nước ngoài muốn làm giám đốc phải am hiểu công việc từ cấp thấp nhất rồi dần dần lên cấp cao hơn. Quả nhiên, sau đó chị được thực tập tiếp làm trợ lý, phó giám đốc rồi giám đốc. Nay chị đã là một giám đốc giỏi ở trong nước.

Về tu nghiệp quản lý hành chánh hoặc điều hành kỹ thuật, tôi nhìn thấy các thực tập viên được nhân viên cấp tương đương ở nước ngoài kèm cặp. Làm như vậy thì rõ ràng ta sẽ dễ dàng am hiểu và nắm bắt được kỹ năng lẫn kinh nghiệm điều hành tiên tiến ở xứ người để đem về áp dụng trong nước. Dĩ nhiên là không áp dụng nguyên xi những điều học được mà phải biết biến chế để thực hiện được trong hoàn cảnh còn thiếu thốn nhiều mặt trong nước. Chương trình tu nghiệp kiểu đó đã đem lại kết quả cụ thể.

Tuy vậy, tôi nhìn thấy trong nước ta, không ít người đã hiểu sai lạc hoặc cố tình biến những khóa tu nghiệp nước ngoài thành những chuyến đi du lịch hoặc vui chơi giải trí. Có lần tôi hỏi chuyện chuyên viên ở một viện nghiên cứu lớn trong nước đi tu nghiệp ở Mỹ về, xem anh đã thu thập được gì sau chuyến đi đó. Anh lại khoe về việc mình từng đi chơi Las Vegas (nơi bài bạc nổi tiếng), Walt Disney World (khu vui chơi lớn) hơn là nói về việc nghiên cứu chuyên môn cụ thể của anh. Tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều giáo sư, chuyên gia xứ mình đi dự hội nghị quốc tế, tham quan nghiên cứu mà giống như đi du lịch, không đóng góp được gì cụ thể để nước ngoài hiểu biết về ta hoặc học hỏi được kinh nghiệm gì hữu ích. Đi tham quan nghiên cứu, dự hội nghị hoặc tu nghiệp như thế thì thật uổng phí, phía nước ngoài hỗ trợ ta cũng nản lòng!

Bước vào giai đoạn đất nước hội nhập cần học hỏi kinh nghiệm làm việc tiên tiến của người, tôi nghĩ vấn đề tu nghiệp phải được quan niệm lại đúng đắn hơn, nhằm đưa được đúng người, đúng việc. Nhất là đưa được những người trẻ có năng lực, tinh thần quyết tâm học hỏi. Có như vậy thì ta mới hy vọng học hỏi được những điều hay hoặc của người để về làm tốt công việc được giao trong nước.

Theo Thanh niên